Nhờ sự phát triển mạnh mẽ trong cuộc cách mạng công nghệ, mọi thứ xung quanh con người đang trên đà tự động hóa, hàng loạt các trang thiết bị thông minh ra đời nhằm phục vụ nhu cầu cũng như đáp ứng những mong muốn mà trước kia chỉ được xem là hão huyền.
Hệ thống nhà thông minh Smarthome cũng vì thế xuất hiện mang đến những tiện ích và niềm hy vọng về cách vận hành ngôi nhà mơ ước của bản thân.
Smarthome là một trong những phát triển mang tính đột phá mở đường cho cuộc sống tự động hóa các thiết bị trong tương lai. Để bắt tay vào việc xây dựng cho mình một ngôi nhà thông minh thì điều đầu tiên bạn nên làm là chọn một nền tảng Smarthome thích hợp. Hiện nay, có 3 nền tảng hệ thống thông minh thông dụng nhất đó là Apple HomeKit, Amazon Alexa và Google Home. Mỗi nền tảng đều có những đặc tính và thế mạnh riêng biệt. Vậy thì nền tảng nào thật sự phù hợp với bản thân? Với bài viết này, Sforum sẽ hỗ trợ các bạn đưa ra quyết định tốt nhất. Mời các bạn cùng theo dõi.
Khả năng hỗ trợ tiếng Việt
Năm 2019 là cột mốc đánh dấu một bước ngoặt quan trọng với mảng thiết bị nhà thông minh ở Việt Nam sử dụng nền tảng Google Home khi trợ lý ảo Google Assistant chính thức hỗ trợ Tiếng Việt. Tuy nhiên, đây chỉ là bản dùng thử tiếng Việt Beta do Google cung cấp. Sau gần 9 tháng thì Google chính thức ngừng hỗ trợ tiếng Việt Beta cho mọi loa thông minh và màn hình thông minh kích hoạt mới trên toàn thế giới (các tài khoản Google trước đó đã kết nối loa và cài Tiếng Việt vẫn tiếp tục được sử dụng). Đây được cho là động thái ngưng tạm thời để Google có thể hoàn thiện và đưa ra bản chính thức Tiếng Việt tốt hơn cho người dùng với đầy đủ cam kết sử dụng cho người dùng.
Đối với hai nền tảng Amazon Alexa hay Apple Homekitthì hiện nay chưa có động thái sẽ hỗ trợ tiếng Việt cho người dùng.
Tính ứng dụng chức năng tự động hóa và tạo ngữ cảnh
Hiện nay, nền tảng Smart Home từ Apple HomeKit đơn giản, tiện lợi và ổn định hơn trong quá trình sử dụng so với các nền tảng Smarthome khác: ứng dụng Home luôn được cập nhật và tối ưu hoá trạng thái, giao diện tiện ích giúp bạn có thể tạo các tự động hoá một cách dễ dàng. Hai nền tảng Amazon Alexa hay Google Home vẫn tồn tại nhiều điểm hạn chế về mặt này.
Thế mạnh của Apple Homekit hoàn toàn được bộc lộ ở mặt tự động hóa (Routines/Automation) vì các thiết bị tương thích có thể hoạt động tốt khi được thêm vào mục Tự động hóa và ngữ cảnh. Bên cạnh đó, Apple Homekit còn có thể tạo một vài ngữ cảnh mà cả Google Home và Amazon Alexa không thể làm được.
Số lượng sản phẩm tích hợp trợ lý ảo
Apple Homekit khá hạn chế ở mặt này. Vì như đã biết, các nền tảng hay hệ điều hành của Apple có hỗ trợ Siri chỉ khả dụng trên các thiết bị của nhà Apple như một vòng khép kín. Số lượng thiết bị của Apple đang tăng chậm và hạn chế nhiều hơn so với hai đối thủ còn lại.
Về mặt này, Amazon Alexa nhỉnh hơn đối thủ cạnh tranh là Google Home một ít vì khi phân tích tất cả các khả năng, số lượng thiết bị tương thích với Alexa sẽ nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu tính riêng tại thị trường Việt Nam thì số sản phẩm tương thích với nền tảng Google Home lại nổi trội hơn không ít do hệ điều hành Amazon còn chưa phổ biến mấy ở nước ta.
Hệ sinh thái Google đa dạng kể cả những thiết bị nhà thông minh smarthome bên thứ 3 hỗ trợ Google Assistant. Google Assistant có phạm vi sử dụng và tiếp cận lớn tại Việt Nam nhờ sự hiện diện trên hệ điều hành Android, trợ lí này được cài đặt sẵn trên hầu hết các điện thoại thông minh và máy tính bảng Android hiện nay.
Khả năng kết nối với các thiết bị
Alexa có nền tảng mở, API sẵn sàng nên ai cũng có thể tự code và phát triển Skill, thứ dùng để kết nối Alexa với những hệ thống khác. Qua đó, mở rộng khả năng hoạt động của Alexa lên rất nhiều. Google đang thua Alexa ở kho Skill này. Tuy nhiên, hầu hết các thiết bị nếu tương thích với Alexa đều cố gắng thiết kế để tương thích với Google Assistant. Còn Apple vẫn còn hạn chế ở khía cạnh này so với hai đối thủ trên.
Khả năng tìm kiếm thông tin và kỹ năng trả lời câu hỏi
Nếu nói về kỹ năng tìm kiếm thông tin hiểu và phản hồi chinh xác thì nhà chiến thắng sẽ là trợ lý ảo Google Assistant vì dựa trên báo cáo từ Loupventures (một công ty chuyên gia về phân tích và nghiên cứu công nghệ) sau khi tiến hành một thử nghiệm với 800 yêu cầu giống hệt nhau cho cả ba trợ lý, kết quả cuối cùng chỉ ra Google Assistant hiểu 100% yêu cầu và trả lời đúng 92.9%.
Tuy nhiên, Siri có thế mạnh hơn trong việc hiểu tốt hơn khi bạn nói như bình thường hoặc nói nhanh. Ngoài ra, Siri có khiếu hài hước tốt hơn, thường cung cấp những câu trả lời hài hước, nhẹ nhàng cho mọi thứ, nếu bạn muốn hỏi điều gì đó tầm phào cho vui.
Chi phí đầu tư
Điều hiển nhiên là chi phí đầu tư ban đầu cho ngôi nhà thông minh nền tảng Apple Homekit sẽ có giá thành cao hơn hẳn hai nền tảng còn lại. Nếu bạn là “fan của nhà Táo” đã sở hữu những thiết bị như iPhone, iPad,…thì vấn đề chi phí đầu tư này sẽ được giảm đáng kể. Còn hai nền tảng Smarthome là Amazon Alexa, Google Home sở hữu giá thành thiết bị chênh lệch không quá nhiều với nhau và cả hai đều có chi phí đầu tư ban đầu thấp hơn so với “Táo”.
Tạm kết:
Trên đây là một số ý kiến tổng hợp của chúng tôi đối với ba nền tảng Smarthome phổ biến nhất hiện nay Amazon Alexa, Apple Homekit và Google Home. Mỗi nền tảng Smarthome này đều có thế mạnh riêng nên bạn hãy cân nhắc đầu tư cho ngôi nhà thông minh của mình một nền tảng phù hợp nhất nhé.
Nguồn: Tổng hợp
Để lại bình luận