Sự phân mảnh là lý do chính khiến các thiết bị smarthome khó kết nối đồng bộ với nhau. Một giao thức mang tên Matter là lời giải cho vấn đề này.
Theo báo cáo của Statista, trong năm 2023 thị trường smarthome Việt Nam đạt 275 triệu USD. Dự kiến đến năm 2028, con số này có thể đạt hơn 500 triệu USD. Tốc độ phát triển của toàn thị trường này được đánh giá ở mức nhanh với khoảng 12,3%/năm.
Cũng theo công ty nghiên cứu Statista, số hộ gia đình sử dụng nhà thông minh trên thế giới dự kiến sẽ lên tới 672,6 triệu vào năm 2027. Bên cạnh đó, giá cả lắp đặt cho mỗi ngôi nhà thông minh được dự báo sẽ có chiều hướng giảm dần, kỳ vọng tới năm 2027 chỉ còn 381,9 USD (khoảng 8,9 triệu đồng).
Hiện tại, có 2 nhóm sản phẩm gia dụng thông minh và thiết bị điều khiển/kết nối thông minh chiếm tỉ trọng cao nhất.
Theo ông Phạm Lê Ngọc Châu, Giám đốc kinh doanh MediaTek Việt Nam, thị trường smarthome Việt gặp khá nhiều khó khăn trong năm 2023. “Smarthome gắn liền với thị trường bất động sản. Một nhà đầu tư có thể triển khai hàng chục nghìn căn hộ thông minh cùng lúc. Do đó, việc thị trường bất động sản đi xuống trong năm nay cũng ảnh hưởng khá nhiều đến doanh số thiết bị smarthome”, ông Châu nói.
Cũng theo ông Châu, hiện tại thị trường nhà thông minh đang gặp thách thức lớn về khả năng tương thích giữa các thiết bị. Mỗi hãng đều có hệ sinh thái riêng, do đó việc thiếu một tiêu chuẩn chung giới hạn các tùy chọn của người tiêu dùng thường gây ra sự phức tạp trong quá trình cài đặt và sử dụng.
“Để dễ hình dung, nếu nhà bạn sử dụng 3 camera an ninh của 3 hãng khác nhau thì buộc bạn phải sử dụng 3 ứng dụng điều kiểu khác nhau. Vì thế, tiêu chuẩn chung mới ra mắt có tên là Matter, được hỗ trợ bởi khoảng 200 công ty lớn trên thế giới mang đến một tương lai đầy hứa hẹn cho các đơn vị công nghệ nhà thông minh. Giao thức này cho phép tất cả các thiết bị giao tiếp với nhau, bất kể thiết bị đến từ nhà sản xuất nào”, ông Châu nhận định.
Một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thị trường smarthome đến từ kết nối 5G và Wi-Fi 6. Theo đó, chuẩn kết nối mạng 5G dự kiến đạt tốc độ nhanh hơn mạng 4G hơn từ 10 đến 50 lần nên sẽ có nhiều dữ liệu hơn được chia sẻ giữa các thiết bị nhà thông minh. Các thiết bị này sẽ có thể kết nối với các ứng dụng sử dụng nhiều dữ liệu khác như trò chơi 3D, thực tế tăng cường và thực tế ảo, công nghệ thành phố thông minh và ô tô tự lái.
Quá trình chuyển đổi sang mạng 5G hoàn toàn trùng khớp với việc áp dụng tiêu chuẩn Matter mới và hai yếu tố này kết hợp với nhau có thể mang lại sự thúc đẩy đáng kể cho thị trường nhà thông minh từ năm 2023 trở đi.
Ông Phạm Lê Ngọc Châu cho biết thêm, chúng ta đang dùng Wi-Fi 5. Dự kiến, chuẩn Wi-Fi 6 sẽ trở nên phổ biến hơn tại Việt Nam trong năm 2024. Tiếp đến là Wi-Fi 7 với tốc độ rất nhanh. Hiện tại, MediaTek cũng đã phát triển đến Wi-Fi 8 với rất nhiều cải tiến hấp dẫn.
“Các bạn sẽ thấy xu hướng tiếp theo của các thiết bị smarthome là thông minh hơn, kết nối nhanh chóng và tốn ít năng lượng. Bên cạnh đó, việc tích hợp AI vào chip để xử lý các vấn đề trong cuộc sống thường ngày như camera AI, điều khiển bằng giọng nói cũng đang được đầu tư và đẩy mạnh”, ông Châu nói.
Matter là một giao thức mạng chung cho phép các thiết bị hoạt động trên tất cả các nền tảng nhà thông minh có thể kết nối với nhau, được cung cấp bởi dự án Project Connected Home over IP (CHIP).
Đây là giao thức truyền tải thông tin mã nguồn mở, được sản xuất bởi hơn 200 công ty với tất cả công nghệ sẵn có như: Stream, Wifi, Bluetooth và Ethernet cho phép các thiết bị trong ngôi nhà của bạn có thể hoạt động tương tác cục bộ với nhau mà không cần thông qua cloud.
Để lại bình luận